Cáo buộc NSA sử dụng Facebook để phán tán mã độc và đánh cắp thông tin người dùng

Một thông tin rúng động vừa được đăng tải trên trang báo The Intercept khi cho biết NSA đã sử dụng Facebook để lây truyền mã độc lên máy tính người dùng nhằm lấy cắp thông tin. CEO Facebook Mark Zuckerberg sau đó đã phải điện đàm với Tổng thống Obama về vấn đề này.

Theo thông tin được đăng tải trên The Intercept, trang thông tin được thành lập bởi Glenn Greenwald - cựu phóng viên của tờ Guardian và là người từng phanh phui các tài liệu mật liên quan đến NSA do Edward Snowden cung cấp, cho biết Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ (NSA) đã phát tán mã độc lên máy tính người dùng Internet trên toàn cầu thông qua chiến dịch có tên gọi TURBINE.

TURBINE được cho là một phần trong chiến dịch tình báo quy mô lớn với tên gọi “Làm chủ mạng lưới”, có khả năng xâm nhập vào 85.000 đến 100.000 máy tính trên toàn cầu. Đáng chú ý trong đó có chiến dịch QUANTUMHAND mà The Intercept cho biết đã sử dụng mạng xã hội Facebook như công cụ để phát tán mã độc và truy cập vào máy tính trên toàn cầu.

Facebook đang được sử dụng như một công cụ để phát tán mã độc
 và theo dõi người dùng?


“Khi một mục tiêu đăng nhập vào Facebook, NSA sẽ gửi đi các gói dữ liệu độc hại để đánh lừa máy tính nạn nhân rằng chúng được gửi đến từ máy chủ của Facebook. Bằng cách che giấu mã độc dưới hình dạng của trang Facebook thông thường, NSA có thể hack vào máy tính nạn nhân và ngấm ngầm lấy dữ liệu từ trên ổ cứng”, The Intercept cho biết.

“Thậm chí trong nhiều trường hợp, NSA còn gửi đi các thư rác đính kèm mã độc mà khi lây nhiễm trên máy tính có khả năng thu âm môi trường xung quanh từ microphone và chụp hình ảnh xung quanh từ webcam trên máy tính”, The Intercept cho biết thêm.

Theo The Intercept, chiến dịch tình báo đặc biệt này đã được NSA bắt đầu tiến hành từ năm 2010 cho đến nay. Những dữ liệu được thu thập sẽ được NSA chia sẻ với các cơ quan tình báo khác ở Anh, Canada, Úc hay New Zealand…

NSA phủ nhận cáo buộc, CEO Mark Zuckerberg phải điện đàm với Tổng thống Obama về vụ việc

Ngay sau khi thông tin được The Intercept đăng tải, phía NSA đã lập tức lên tiếng phản hồi và khẳng định cáo buộc của The Intercept là không chính xác.

“Những thông tin mới đây trên các phương tiện truyền thông đã cáo buộc rằng NSA phát tán mã độc đến hàng triệu máy tính trên toàn cầu dưới dạng mạo danh mạng xã hội và các trang web khác là không chính xác”, NSA cho biết trong một thông báo được đưa ra.

“NSA chỉ sử dụng khả năng kỹ thuật của mình để hỗ trợ các hoạt động tình báo hợp pháp và phù hợp, tất cả đều phải thực hiện theo đúng chức trách của mình”, NSA cho biết thêm.

Facebook cũng đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của The Intercept. Báo cáo từ trang thông tin này cũng đã thu hút sự chú ý CEO Mark Zuckerberg của Facebook, buộc Zuckerberg phải lên tiếng về vụ việc trên trang cá nhân của mình.

“Tôi đã rất bối rối và thất vọng trước những cáo buộc lặp đi lặp lại về hành vi của chính phủ Mỹ. Trong khi các kỹ sư của chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi để cải thiện bảo mật, chúng tôi đang bảo vệ các bạn chống lại bọn tội phạm, không phải chính phủ của chúng ta”, Zuckerberg viết trên trang Facebook của mình.

“Chính phủ Mỹ cần phải bảo vệ Internet, chứ không nên là một sự đe dọa. Họ cần phải minh bạch hơn nữa về những gì họ làm, nếu không mọi người sẽ tin vào điều tồi tệ nhất. Tôi đã gọi điện cho tổng thống Obama để bày tỏ sự thất vọng của mình và các thiệt hại mà chính phủ đang tạo ra cho tương lai của Facebook. Thật không may, có vẻ như phải mất một thời gian dài để có được sự thật và một sự cải tạo đầy đủ”, Zuckerberg cho biết thêm.

Báo cáo của The Intercept một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về tính bảo mật và an toàn thông tin trên Internet, đặc biệt trên mạng xã hội, đặc biệt khi mà Facebook hiện có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu.


Theo Dân trí