Những Điều Nhà Sản Xuất Đang lừa Chúng Ta

Từ lâu, chúng ta đã được cảnh báo về những mánh khóe quảng cáo của các nhà sản phần cứng công nghệ. Có thể đó là dung lượng bộ nhớ khả dụng bên trong smartphone hay máy tính bảng khác xa so với quảng cáo của nhà sản xuất, dung lượng ổ cứng trong máy tính thấp hơn con số công bố trên vỏ hộp máy, hay thời gian pin không đúng như thực tế... 


Có rất nhiều mánh khóe quảng cáo của các nhà sản xuất phần cứng công nghệ đã bị lôi ra chỉ trích. Một vài trong số chúng thậm chí đã trở thành đối tượng của các vụ kiện tập thể vì gây hiểu lầm cho khách hàng. Trang công nghệ HowToGeek đã tổng hợp 7 mánh khóe mà các nhà sản xuất phần cứng đang áp dụng để qua mắt người dùng thông thường.


Dung lượng bộ nhớ khả dụng không được đề cập


Các nhà sản xuất thiết bị thường quảng cáo sản phẩm của mình bằng những cái tên như "Surface Pro 64GB" hay "Galaxy S4 16GB". Một khách hàng ngây thơ sẽ lầm tưởng rằng mình sẽ có 64GB hoặc 16GB dung lượng bộ nhớ trong trên các thiết bị này, hoặc ít hơn một chút. Điều đó thường là không đúng.


Các nhà sản xuất đặt tên nhãn và quảng cáo các thiết bị dựa vào dung lượng bộ nhớ trong mà thiết bị đó sở hữu, chứ không phải là dung lượng khả dụng – thông số thực sự có ý nghĩa với người dùng. Trên máy tính bảng Windows và chiếc Samsung Galaxy S4, một phần khá lớn bộ nhớ trong đã bị chiếm bởi hệ điều hành và các ứng dụng được cài sẵn.


Hơn nữa, điều này lại khá khó hiểu khi bạn so sánh các loại máy với nhau. Ví dụ, iPad 64GB chừa lại khoảng 57GB cho người dùng, nhiều hơn rất nhiều so với con số đó của Surface Pro. Thế nhưng tất cả những gì mà một khách hàng bình thường được thấy và dùng để so sánh sẽ là "iPad 64GB và "Surface Pro 64GB".


Nếu các hãng điện tử thực sự trung thực, họ nên quảng cáo dung lượng bộ nhớ là "Surface Pro 28GB", "Galaxy S4 8GB" và "iPad 57GB".


Hãng ổ cứng và Windows sử dụng đơn vị đo thông tin khác nhau


Dung lượng ổ cứng có thể gây hiểu nhầm bởi các nhà sản xuất ổ cứng sử dụng đơn vị đo khác với Windows. Ví dụ, một ổ cứng được quảng cáo là 500GB sẽ chỉ hiện lên là 465GB trên Windows. Đó là do mặc dù đều sử dụng chữ việt tắt "GB", các nhà sản xuất ổ cứng đang nói đến "gigabyte", còn đối với Windows nó lại là "gibibyte".


Đây thực sự là vấn đề khiến người dùng bối rối, khó hiểu. Cứ cho là các hãng ổ cứng đang sử dụng đúng đơn vị trong khi Windows thì không, nhưng dù sao kết quả cũng giống nhau: nếu bạn mua ổ cứng 500GB và cài đặt nó lên máy tính Windows, bạn chỉ còn dùng được 465GB. Bạn nên nhớ điều này nhé.

Retina, Reality Engine và các tên gọi quảng cáo cho màn hình khác


Nhìn vào bất cứ thông số kĩ thuật của bất cứ thiết bị có màn hình nào, đặc biệt là smartphone và bạn sẽ thấy một danh sách dài các tên riêng. Sony có "TruBlack" và "X-Reality Picture Engine", Toshiba có "TruBrite", Nokia có "ClearBlack" và "PureMotion HD+", v.v.


Một khi đã được các hãng sản xuất đăng kí nhãn hiệu, các tên riêng này sẽ chỉ được sử dụng cho các sản phẩm của hãng đó, ví dụ như "X-Reality Picture Engine, chỉ có trên các thiết bị Sony!". Điều này thường gây hiểu lầm. Ngoài ra, Apple cũng quảng cáo rằng duy nhất sản phẩm của mình có công nghệ Retina Display. Như vậy không sai, bởi chỉ Apple mới có quyền sử dụng cái tên đó cho các thiết bị của mình. Kể cả nếu các thiết bị của đối thủ có mật độ điểm ảnh cao hơn nhiều so với Retina, các hãng khác cũng không được phép sử dụng cái tên đó.
  

Thiết bị "WiFi Ready" không được trang bị WiFi


Một số đầu Bluray và SmartTV được quảng cáo là "WiFi Ready". Bạn sẽ tưởng rằng những thiết bị này đã sẵn sàng để kết nối với mạng WiFi nhà bạn. Sự thật không phải thế.
Các thiết bị "WiFi Ready" cần một dongle đặc biệt được cắm qua cổng USB để chúng có thể kết nối WiFi. Nói cách khác, "WiFi Ready" nghĩa là bạn cần mua thêm một phụ kiện đắt tiền nữa.


Không nêu rõ kích thước thực của màn hình


Nếu bạn còn nhớ thời của màn hình CRT, bạn cũng sẽ nhớ những tranh cãi xung quanh việc loại màn hình đó nên được quảng cáo như thế nào. Ví dụ, bạn sẽ nghĩ rằng một màn hình 17 inch nghĩa là kích thước thật của nó là 17 inch và như thế là bạn đã sai. Một màn hình CRT nếu được quảng cáo là 17 inch, thực ra là đã tính cả đường cong của nó. Thực chất kích thước mà bạn nhìn được chỉ khoảng 15 inch.
May mắn là các nhà sản xuất màn hình LCD thường đo kích thước sản phẩm của mình dựa trên kích thước thật, hay kích thước hiển thị ("viewable size" – hoặc "display area"). Tuy nhiên nếu bạn để ý, thỉnh thoảng bạn sẽ vẫn thấy 2 cách đo kích cỡ này đứng tách biệt nhau như hình dưới đây.



Cáp đắt tiền hơn nhưng không tốt hơn


Nhiều nhà sản xuất sẽ muốn bạn tin rằng mình cần mua cáp siêu đắt để tận dụng hết chất lượng dàn âm thanh của gia đình mình. Điều đó hoàn toàn không đúng. Nếu đó là cáp kĩ thuật số, như cáp HDMI, bạn sẽ không được hưởng gì thêm từ việc mua một bộ cáp đắt tiền so với bộ khác rẻ hơn. Nhiệm vụ của nó đơn giản chỉ là truyền dữ liệu và không có yếu tố tốc độ ở đây.


Điều này có thể hơi khó hiểu bởi trong trường hợp khác, cáp chất lượng cao có thể phát huy sức mạnh khi chúng là cáp analog, ví dụ như cáp stereo truyền thống.


Thời lượng pin bị phóng đại


Có lẽ điều này không gây ngạc nhiên với nhiều người, nhưng chúng ta vẫn nên ghi nhớ khi tìm mua một thiết bị mới. Đừng nên chỉ đọc thông số kĩ thuật về pin mà nhà sản xuất đưa ra trên trang web của họ, hãy tìm kiếm những bài kiểm tra pin do các tổ chức uy tín tiến hành - những người không cần kiếm tiền từ bạn.
Thời lượng pin thường được quảng cáo là "tối đa lên đến x giờ", nhưng những con số x đó thường khả quan hơn so với những gì mà bạn nhận được ngoài đời thực.

Nguồn: VNreview