Loạt card đồ họa chơi game đáng mua nhất 2013

Bài viết hướng đến khả năng chơi game của các VGA. Nếu không chơi game, bạn có thể không cần đến các VGA này.
- Cross Fire hay SLI 2 card đồ họa cũng là giải pháp đem lại hiệu năng và p/p rất tốt. Tuy nhiên nó yêu cầu quá nhiều khoản phụ như: mainboard hỗ trợ chạy đa card, bộ nguồn công suất đủ lớn, thùng máy đủ lớn và thông thoáng… Do vậy ở phân khúc phổ thông và trung cấp, tôi sẽ chỉ chọn giải pháp chạy đơn VGA. Cross Fire và SLI chỉ được đề cập ở phân khúc cao cấp.
- Do số lượng phiên bản các card đồ họa hiện nay quá nhiều, hiệu năng trong bài viết chỉ đánh giá dựa trên xung nhịp gốc của AMD và Nvidia. Các sản phẩm ép xung, hạ xung sẵn của MSI, Asus, Zotac... hiệu năng có thể chênh lệch đi vài %.
- Giá linh kiện thay đổi liên tục. Các thông tin về giá chỉ có giá trị tham khảo chính xác vào thời điểm bài viết lên trang, một thời gian sau có thể không còn đúng.
- Bài viết chỉ đề cập đến các sản phẩm được phân phối chính thức tại Việt Nam. Các card 
Các card đồ họa xách tay, nhập bởi đại lý nhỏ lẻ hoặc đã qua sử dụng không được đề cập tới.
- Giá các sản phẩm được tham khảo tại Hanoi Computer.

Tầm giá dưới 2.000.000 VNĐ

Đề cử: AMD HD 7730 bản GDDR5
Nên tránh: các card đồ họa còn lại
Vừa mới vào Việt Nam qua hãng tiên phong là MSI, HD 7730 lập tức gây ấn tượng bởi p/p tốt, giá mềm và hiệu năng thậm chí còn hơn xa GT 640 đắt tiền hơn. Chắc chắn đây sẽ là sản phẩm được ưa chuộng nhất phân khúc phổ thông, thu hút nhiều người mua là học sinh, sinh viên hay game net. HD 7730 GDDR5 phù hợp với các case chơi game giá 6 -> 7 triệu đồng, gánh tốt các game mới trên độ phân giải 1366 x 768 (màn 18 inch) với thiết lập từ trung bình đến cao.
Chiếc card tiêu thụ khoảng 55W và không yêu cầu nguồn phụ, chỉ cần một bộ nguồn công suất 300W là đảm bảo.
Ngoài ra trong thời gian tới rất có thể phiên bản HD 7730 DDR3 sẽ được nhập về. Nếu giá nằm trong khoảng 1.500.000 -> 1.600.000 VNĐ, đây cũng sẽ là card đồ họa đáng mua.Sẽ không thể nào từ chối nó 
Với sự xâm nhập của HD 7730, p/p của tất cả các card đồ họa còn lại trong tầm giá dưới 2 triệu đồng ngay lập tức trở nên thảm hại. Vì thế tôi xin để tất cả chúng vào danh sách “Nên tránh”.


Tầm giá từ 2.000.000 VNĐ đến 3.000.000 VNĐ

Đề cử: Nvidia GT 640, GTX 650; AMD HD 7750
Tại sao GT 640 vừa đắt vừa yếu hơn HD 7730 GDDR5 nhưng lại xuất hiện trong danh sách này? Đó là vì các card đồ họa Nvidia tương thích với một số game online như Cross Fire hay World of Tanks hơn AMD. Vì thế nếu chủ yếu chơi các game online này, GT 640 sẽ tốt hơn HD 7730. Hiện nay Zotac GT 640 đang có giá 2.100.000 VNĐ, tạm chấp nhận được so với giá 1.880.000 của HD 7730 GDDR5.
Tiến khoảng giá một chút lên 2.500.000 VNĐ, HD 7750 sẽ là lựa chọn tốt nhất. Hơn 9 tháng sau khi ra mắt, đây vẫn là card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất hiện nay, có thể đi với bộ nguồn 350W. So với HD 7730 GDDR5, HD 7750 mạnh hơn khoảng 38%. Khả năng ép xung của chiếc card cũng không tồi nếu bạn muốn vọc vạch một chút. Chiếc card có khả năng chiến tốt game ở độ phân giải 1366 x 768; chơi được các game mới ở độ phân giải 1600 x 900 (màn 20 inch) nhưng phải giảm setting.
Nếu không thích dùng AMD vì lý do nào đó, bạn cũng có thể để mắt đến chiếc Zotac GTX 650 Synergy có hiệu năng tương đương HD 7750. Tuy cần thêm 1 nguồn phụ 6 pin nhưng card đồ họa này tiêu thụ điện cũng không nhiều, vẫn gắn được với các bộ nguồn 350W. Ngoài Zotac ra, các chiếc GTX 650 khác của MSI, Asus, Gigabyte… đều không nên mua vì giá quá đắt, dẫm vào khu vực của HD 7770 mạnh hơn.

Tầm giá từ 3.000.000 VNĐ đến 4.000.000 VNĐ

Đề cử: AMD HD 7770, HD 7790; Nvidia GTX 650 Ti, GTX 650 Ti Boost
Nên tránh: Nvidia GTX 650
Vào khoảng xung quanh 3 triệu đồng, HD 7770 là sự lựa chọn không thể tốt hơn cho người dùng. Cho hiệu năng ngang bằng HD 6850 đình đám trước kia nhưng HD 7770 có giá chỉ bằng 3/4 người tiền nhiệm, điện năng tiêu thụ cũng chỉ bằng phân nửa. Có nhiều phiên bản của chiếc card này giá từ 2.950.000 VNĐ (bản thường của MSI) đến 3.250.000 VNĐ (bản ép xung cao nhất của Sapphire). Trong khoảng giá này có sự xuất hiện của nhiều phiên bản GTX 650 nhưng hiệu năng của chúng kém HD 7770 từ 15 -> 20%, trừ khi là fan nặng của Nvidia bạn không nên mua chúng.
HD 7770 mạnh hơn HD 7750 khoảng 20%, yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 400W. Card có khả năng chơi game tốt ở độ phân giải 1600 x 900; chiến được cả 1920 x 1080 nhưng phải giảm setting
Ngoài HD 7770, AMD còn một gương mặt rất đáng chú ý là HD 7790. Hiệu năng cao hơn HD 7770 khoảng 20% và có giá từ 3.250.000 VNĐ (bản thường của Sapphire) tới 3.720.000 VNĐ (bản OC của Asus), có thể đánh giá là HD 7790 đáng mua hơn 7770 nhiều. Tuy nhiên chiếc card của Sapphire lúc nào cũng… trong tình trạng hết hàng, mà lại rất lâu có đợt hàng mới về. Vì vậy có thể coi giá khởi điểm của HD 7790 là 3.550.000 VNĐ cho bản OC của MSI.
HD 7790 yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 400W, có khả năng chơi game tốt ở độ phân giải 1600 x 900, lên 1920 x 1080 vẫn chiến được nhưng phải giảm thiết lập.
Các bạn thích card Nvidia có thể lựa chọn GTX 650 Ti - hiệu năng tương đương HD 7790 và cũng cần 1 nguồn phụ 6 pin. Chọn HD 7790 hay GTX 650 Ti chỉ phụ thuộc vào việc bạn thích AMD hay Nvidia mà thôi. GTX 650 Ti đang có giá từ 3.450.000 VNĐ (bản thường của Zotac) đến 3.900.000 VNĐ (bản OC của MSI). Tuy nhiên theo ý kiến của tôi, các bạn chỉ nên mua các bản HD 7790 và GTX 650 Ti giá 3.500.000 VNĐ trở xuống, bởi ngay phía trên chúng thôi có một sản phẩm ngon hơn rất nhiều.
Zotac GTX 650 Ti Boost chính là lý do tôi khuyên bạn không nên mua những chiếc HD 7790 và GTX 650 Ti có giá trên 3.500.000 VNĐ. Đây là chiếc card rẻ nhất của dòng GTX 650 Ti Boost hiện nay, cho hiệu năng cao hơn tới 30% so với 2 card đồ họa kia. Về khía cạnh nào đó, sự góp mặt của chiếc card Zotac này có thể xếp HD 7790 và GTX 650 Ti vào list “Nên tránh”. Tuy nhiên đối với nhiều trường hợp 350.000 VNĐ lại là vấn đề khá to lớn khi bạn đã dốc sạch hầu bao cho máy tính mới. Do thế tôi vẫn để 2 sản phẩm kia vào danh sách “Nên mua”.
GTX 650 Ti Boost yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 400W, có thể chiến game khá ổn ở độ phân giải 1920 x 1080.

Tầm giá từ 4.000.000 VNĐ đến 5.000.000 VNĐ


Đề cử: AMD HD 7850 1GB; Nvidia GTX 650 Ti Boost
Chiếc Zotac GTX 650 Ti Boost có giá rất tốt, nhưng mắc phải nhược điểm là hình thức không được bắt mắt với bo mạch ngắn ngủn. Khi lên đến tầm này, nhiều người dùng thích card đồ họa phải dài, hầm hố. Về mặt này thì các sản phẩm của MSI, Asus đều ăn đứt Zotac. Vì thế dù đắt hơn chiếc card của Zotac không phải ít mà hiệu năng chả nhỉnh hơn bao nhiêu, tôi vẫn đề cử GTX 650 Ti Boost của các hãng khác ở tầm giá này.
GTX 650 Ti Boost yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 400W, có thể chiến game khá ổn ở độ phân giải 1920 x 1080.
Ngoài GTX 650 Ti Boost, các bạn có thể để mắt đến HD 7850 bản 1 GB. Ở xung nhịp mặc định, HD 7850 cho hiệu năng ngang GTX 650 Ti Boost. Tuy nhiên điểm mạnh của thế hệ HD 7000 chính là khả năng ép xung rất đã tay. Vì vậy trong tầm giá này, HD 7850 tỏ ra đáng chọn hơn GTX 650 Ti Boost.
HD 7850 yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 400W. Card có khra năng chơi game tốt ở độ phân giải 1920 x 1080.

Tầm giá từ 5.000.000 VNĐ đến 6.000.000 VNĐ

Theo đánh giá của tôi, 5 -> 6 triệu đồng không phải là khoản tiền tốt để bạn đầu tư VGA. Trong khoảng giá này, chỉ có sự góp mặt của HD 7850 bản 2 GB và GTX 660.
Đối với HD 7850 bản 2 GB, dung lượng bộ nhớ lớn sẽ phát huy tác dụng khi bạn sử dụng màn hình độ phân giải 2560 x 1440. Ngoài ra trên độ phân giải full HD, chiếc card này cũng chịu khử răng cưa tốt hơn phiên bản 1 GB. Tuy nhiên tôi không cho rằng những cái hơn đó xứng với khoản tiền 1 triệu bạn phải bỏ ra, nhất là khi Zotac có chiếc GTX 650 Ti Boost hiệu năng ngang ngửa HD 7850 mà giá chỉ gần 4 triệu đồng.
Về phía GTX 660, sản phẩm này của Nvidia hiệu năng chỉ hơn người anh em GTX 650 Ti Boost khoảng 12%, cũng chưa đủ thuyết phục được tôi. Tuy nhiên mỗi người 1 quan điểm, nếu nhất quyết phải mua VGA trong tầm giá này, bạn có thể chọn HD 7850 2 GB hoặc GTX 660 tùy theo việc bạn thích AMD hay Nvidia và có ép xung hay không.

Tầm giá từ 6.000.000 VNĐ đến 7.000.000 VNĐ

Đề cử: Nvidia GTX 760
Nên tránh: AMD HD 7870; Nvidia GTX 660 Ti
Chiếc GTX 760 của Nvidia vừa ra mắt lập tức dìm chết một loạt các sản phẩm đã từng có p/p tốt không lâu trước đây như HD 7870, GTX 660 Ti, GTX 670. Dựa trên kiến trúc Kepler giống như thế hệ 600 trước đó, GTX 760 cũng sở hữu tính năng Boost Clock. Hiệu năng bỏ xa HD 7870 tới 21%, hơn GTX 660 Ti 10% nhưng công nghệ mới hơn, không có lý do gì để bạn không chọn GTX 760 trong tầm giá này.
GTX 760 mạnh hơn GTX 660 khoảng 25%, hơn HD 7870 khoảng 21%, hơn GTX 660 Ti khoảng 10%. Chiếc card yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 550W. Trên độ phân giải full HD, card có thể đánh gục hầu hết mọi game hiện nay với thiết lập đồ họa cao nhất; lên 2560 x 1440 phải giảm thiết lập một số game.

Tầm giá từ 7.000.000 VNĐ đến 10.000.000 VNĐ

Đề cử: AMD HD 7950, HD 7970
Nên tránh: Nvidia GTX 660 Ti, GTX 670
Với xung nhịp mặc định, HD 7950 còn thua kém GTX 760 khoảng 10%. Điểm ăn tiền của chiếc card là tiềm năng ép xung mạnh mẽ và bộ nhớ 3 GB chịu khử răng cưa tốt hơn ở độ phân giải 2560 x 1440 (GTX 760 là 2 GB). Các phiên bản HD 7950 có giá từ 7.150.000 (Bản Vapor-X của Sapphire) tới 8.300.000 (bản DirectCU của Asus).
HD 7950 kém GTX 760 khoảng 10%, yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn 500W. Card phù hợp với người dùng ép xung; có khả năng chiến max setting hầu hết game ở độ phân giải 1920 x 1080; lên 2560 x 1440 phải giảm thiết lập một số game.
Cũng giống HD 7950, đầu tàu đơn nhân hiện nay của AMD là HD 7970 cũng ghi điểm nhờ khả năng ép xung mạnh, dù rằng đang bị cạnh tranh bởi GTX 770 mới ra. Một khi ép xung lên, quái vật này có thể tiếp đón mọi thách thức: từ chiến trường rộng lớn của BattleField 3 cho đến các cánh rừng nhiệt đới hùng vĩ trong Far Cry 3.
HD 7970 mạnh hơn GTX 760 khoảng 15% (nếu là bản GHz Edition thì mạnh hơn 26%), yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và 1 nguồn phụ 8 pin, bộ nguồn 650W (phục vụ ép xung nữa). Card có khả năng chiến game tốt ở độ phân giải 2560 x 1440.

Tầm giá từ 10.000.000 đến 15.000.000 VNĐ

Đề cử: AMD HD 7970; Nvidia GTX 770
Nên tránh: GTX 680
Có thể nói GTX 770 thực chất là GTX 680 với xung nhịp cao hơn, nhưng giá thấp hơn. Vì thế khỏi phải bàn về sức mạnh của chiếc card này. GTX 770 mạnh hơn HD 7970 khoảng 8% (tương đương HD 7970 bản GHz Edition). Dù khả năng ép xung không nổi trội so với HD 7970, đây vẫn là sản phẩm phù hợp với người dùng yêu thích Nvidia.
GTX 770 yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và 1 nguồn phụ 8 pin (1 số phiên bản là 2 nguồn phụ 8 pin), yêu cầu bộ nguồn 650W. Chiếc card có khả năng chiến game tốt ở độ phân giải 2560 x 1440.
Trong tầm giá này, người dùng nên tránh GTX 680 – đã bị xóa sổ bởi GTX 770 hiệu năng cao hơn nhưng giá rẻ hơn.

Tầm giá trên 15.000.000 VNĐ

Đề cử: AMD HD 7990; Nvidia GTX 780, GTX 690
Nên tránh: GTX Titan
GTX 780 là phiên bản cắt giảm của Titan – sản phẩm đang nắm giữ ngôi vương VGA đơn nhân. GPU GK110 sở hữu lượng nhân CUDA core lớn hơn 25% so với GTX 680/770, và chỉ ít hơn 16% so với GTX Titan. Trong khi đó, GTX 780 có giá chỉ bằng 2/3 so với Titan, nên rõ ràng đáng mua hơn nhiều. Tuy nhiên, so với GTX 770 và HD 7970, GTX 780 có p/p thấp hơn nhiều, khi chỉ mạnh hơn 20% mà giá lại đắt gấp rưỡi (khoảng 16 triệu đồng)! Tất nhiên ở tầm của các sản phẩm cao cấp, p/p không còn quá quan trọng mà đẳng cấp mới là yếu tố quyết định. Vì thế GTX 780 xứng đáng góp mặt trong danh sách này.
GTX 780 mạnh hơn GTX 770 khoảng 20%, yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và 1 nguồn phụ 8 pin (1 số phiên bản là 2 nguồn phụ 8 pin), yêu cầu bộ nguồn 650W. Chiếc card có khả năng chiến game tốt ở độ phân giải 2560 x 1440.

Chốt hạ danh sách ngày hôm nay là GTX 690 và HD 7990 – 2 ông vua của VGA chơi game thời điểm hiện tại. Với 2 siêu chiến binh này, hoàn toàn không có rào cản nào có thể gây trở ngại cho game thủ. Đây sẽ là điều cuối cùng game thủ cần (và mơ ước) cho cỗ máy chiến game của mình.
GTX 690 mạnh hơn GTX 780 khoảng 25%, yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và 1 nguồn phụ 8 pin, bộ nguồn 700W. HD 7990 mạnh hơn GTX 690 khoảng 10%, yêu cầu về năng lượng tương tự. 2 card đồ họa này hiện đang được yết giá khoảng 25 triệu đồng.

Cũng có giá khoảng 25 triệu đồng là GTX Titan, chỉ mạnh hơn GTX 780 một chút mà đắt gần gấp đôi! Vì thế ngoài đẳng cấp ra, có lẽ không còn lý do gì để ông vua đơn nhân này có đất dụng võ.

Nguồn: Genk